Yêu, một tình cảm thi vị nhất trong con người mà cũng làm rắc rối cho nhiều tâm hồn. Nó thật xa xôi mà cũng lại thật gần. Tưởng chừng nó bao la bát ngát, nhưng cũng lại thoáng đi qua cửa sổ tâm hồn bé nhỏ trong khoảng khắc.

Tình yêu của con người thường được ví như muôn tia ngàn sắc của viên kim cương: Yêu cảnh đẹp thiên nhiên, yêu nơi sinh ra và lớn lên, yêu những lời êm ả trong bài ru con, yêu những ca khúc đượm tình quê hương dân tộc, yêu những buổi sáng khi bình minh vừa tới, thật nhẹ nhàng, thanh thoát và ấm áp, yêu ngọn cỏ đùa trong gió. Yêu quê hương, xứ sở, nơi đã nẩy sinh tình người tình đồng bào, tình gia đình, tình vợ chồng, tình anh chị em, tình cha mẹ con cái, tình xóm giềng, tình bè bạn.

Với những con cái Chúa, ta còn cảm nhận được những tình yêu thật ngọt ngào, yêu nhà thờ dầu to lớn hay bé nhỏ, yêu những con đường từ nhà dẫn đến nhà thờ, tin yêu những người anh chị em trong Chúa, yêu các bài Thánh Ca, yêu những bữa ăn trưa Chúa Nhật, cùng các anh chị con cái Chúa khác, yêu các buổi họp nhóm nhỏ, những lời cầu nguyện cho nhau, yêu lớp học trường Chúa Nhật.

Tình yêu quả là một tình cảm thi vị ngọt ngào, đem lại những ngày tháng hạnh phúc cho chúng ta.

Nhưng trong trần thế, tội lỗi đã hủy hoại bản chất thật của tình yêu, nên những tháng ngày hạnh phúc của chúng ta cũng dễ bị èo uột. Kết quả mà tình yêu chân thật có thể đem đến cho nhân loại, đó là sự hóa giải hận thù, sự đoàn kết giữa người và người, cũng vì vậy bị giảm hiệu nghiệm. Hay nói khác đi, căn bản tình yêu của loài người bị nhiễm độc. Ông La Rochefoucauld, một nhà đạo đức học tại Pháp, đã phải cay đắng than lên rằng : Mọi đức tính con người đều tan biến trong quyền lợi vị kỷ cá nhân, như nước ngọt các dòng sông chẩy vào biển cả. Làm gì có tình phụ tử bao la, tình mẫu tử thiêng liêng (như “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra” mà người Việt chúng ta thường để trong lòng), làm gì có lòng bác ái chân thành, tính khiêm nhường khả ái….. Tất cả chỉ vì mình, nghĩ tới mình trước hết rồi loài người trang trí bằng những mỹ từ và nội dung lường gạt.

Những lời trên đúng hay sai ? Làm sao những bậc phụ mẫu bình thường, những con người có lòng nghĩ đến tha nhân có thể thản nhiên đồng ý với loại luận lý vơ đũa cả nắm như thế này được, mặc dầu mọi người đều nhận thấy tình yêu chân thật rất hiếm hoi trong xã hội loài người hiện nay.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Thực ra tình yêu vẫn có đó trong trái tim con người, nhưng nó đã bị nhiễm độc. Và bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau hướng lòng đến tình yêu ròng (chân thật) mà Thánh Phao-lô đã giãi bày trong Kinh Thánh : “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,  chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.  Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ” (I Cô-rinh-tô 13:4-8). Nếu bỏ ba chữ “tình yêu thương” và thay vào đó “Chúa Jêsus” thì ý nghĩa của phân đoạn Kinh Thánh trên không hề thay đổi. Vì chính Ngài là “tình yêu thương”.

Thánh Phao-lô đã quả quyết về giá trị của tình yêu thương trong Kinh Thánh như sau : “Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.” (I Cô-rinh-tô 13:3).

Alexander Duff nói : Chúng ta có thể cho mà không yêu, nhưng chúng ta không thể yêu mà không cho.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Lời cầu nguyện của chúng ta khi mới thức dạy mỗi sáng phải chăng nên có câu : Lạy Cha, xin Cha đổ vào lòng con tràn đầy tình yêu thương, để con đem đến cho những người đang cần lòng yêu thương của Cha qua những gì con đã được cha ban phát … Amen.

Xin cầu chúc quý anh chị và bản thân tôi được thỏa lòng trước khi đi vào giấc ngủ thật bình an.