Hãy đặt ra một lý tưởng bất khả đạt để lý tưởng đó hướng dẫn chúng ta một chiều thẳng tiến. Cái lý tưởng bất khả đạt đó không thể nằm trong hàng rào vị kỷ mà vượt ra vùng trời bao la vị tha. Cái lý tưởng bất khả đạt đó không thể hướng về trần tục mà phải hướng về thiên thượng là chỗ tuyệt đỉnh mà chúng ta ước nguyện được về sau khi qua đời.

Đời người không phải chỉ là một chuỗi ngày tháng với sinh hoạt nhịp nhàng ăn, làm, ngủ, nghỉ như loài vật. Con người cũng không thể chỉ thỏa mãn mỉm cười xoa chiếc bụng no tròn chứa đầy cao lương mỹ vị như loài vật nhởn nhơ khi no đủ. Con người ham hưởng thụ, nhưng vẫn coi sự thỏa mãn vật chất là thứ thỏa mãn tầm thường, vì ý nghĩ cao đẹp, lý tưởng trong con ngườì định giá như vậy.

Ai cũng có lý tưởng cả. Nghĩa là ai cũng định ra một cái đích cao đẹp của đời người. Nếu không còn lý tưởng, con người sẽ mất sức sinh hoạt, sẽ chán nản trong cuộc sống. Nhà bình luận các vấn đề chính trị xã hội nổi danh Hoa Kỳ và cũng là giáo sư tại hai đại học bậc nhất thế giới Harvard và Oxford, ông Logan P Smith phát biểu : “What a bore it is, waking up in the morning always the same person” – Chán chường thay, chán chường thay,   Sáng nào cũng thứ người này mãi sao!

Phải có lý tưởng, còn đạt được hay không, không sao. Miễn là “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt – Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” – Thơ Xuân Diệu.

Có vị học giả ngành sinh thái học chia con người làm bốn hạng tùy theo hình dáng, theo thứ tự từ cao xuống thấp : Hạng não chất, hạng tỳ chất, hạng cân chất và hạng phế chất. Do đó lý tưởng cao thấp cũng tùy theo khí tạng con người. Hạng não chất có suy hướng khí chất tất lý tưởng cao, còn hạng cân chất vai u thịt bắp thì lý tưởng không thể to hơn bắp thịt. Thật ra “trong cuộc trần ai, ai dễ biết”.

Một gia đình ra đi từ Bắc Việt đã tâm sự : Chúng cháu chịu khổ mấy chục năm quen rồi. Nay ra đi là vì bầy con, để chúng nó được ăn học, làm tiền nhiều và hưởng thụ một tị. Lý tưởng cao hay thấp ?

Một cựu sĩ quan chân ướt chân ráo nhập trại tị nạn Mã Lai, đã được một số người tới thăm, kêu gọi ra nhập vào một “lực lượng” để khi tổ quốc gọi về thì kịp thời đáp ứng. “Lý tưởng cao?”, vị cựu sĩ quan thản nhiên trả lời tiếp: Quá khứ tôi đã luôn luôn sẵn sàng lăn xả dưới lằn tên mũi đạn theo tiếng gọi của tổ quốc. Giờ đây bảo tôi sẵn sàng trở về khi tổ quốc gọi ? Chỉ tiếc rằng khi tổ quốc đi thì không gọi tôi nên tôi phải chịu hơn ba năm trong trại cải tạo. Bây giờ đến được đây thì lo làm sao được đi định cư tại Mỹ đã, chuyện kia tính sau. Lý tưởng cao hay thấp ?

Tiếng Việt còn, nước Việt còn. Phải lo bảo tồn văn hóa Việt. Rất lạ khi thấy các “nhà văn hóa” không lo phát hành, cổ võ những tác phẩm văn chương dân tộc, mà lo tái bản, cổ võ chuyện kiếm hiệp Tàu để kiếm tiền.

Giải phóng dân tộc, cứu nguy dân tộc. Ôi lý tưởng cao đẹp. Biết bao người đã bỏ cuộc nửa chừng vì mệt mỏi. Số còn lại cùng chung lý tưởng  chia bè lập phái, rồi tại một thời điểm nào đó, dùng đủ mọi thủ đoạn hạ nhau hầu đạt được tiền tài, danh vọng cho bè phái mình.

Sống chung hòa bình, lý tưởng có tầm vóc quốc tế. Nhưng chẳng nước nào tin nước khác, nên các cường quốc lo chế tạo vũ khí tối tân có năng lực tàn sát cả nhân loại.

Nhìn quanh, không hiểu được ai có lý tưởng cao, ai có lý tưởng thấp. Nhưng chắc chắn chúng ta đã và đang khốn khổ vì trong nhân loại có quá nhiều lý tưởng cao siêu. Thôi hãy cứ dẹp lý tưởng của người qua một bên, hãy xem cái lý tưởng của ta ra thế nào.

-Lý tưởng của ta là cuộc đời no cơm ấm áo? Chỉ vậy thôi sao!

-Lý tưởng của ta là làm sao có chút quyền hành, đuợc mọi người trọng vọng, để chứng tỏ ta có khả năng ? Ờ cũng phải.

-Lý tưởng của ta là “phải có danh gì với núi sông”. À hơi khó đấy.

Nhưng cả ba lý tưởng đó vẫn nằm trong hàng rào vị kỷ.

Trong cuốn La Destinée Humaine (Định Mệnh Con Người) của triết gia người Pháp Lecomte Du Nouy, ông viết mỗi chúng ta đều phải có một vai trò (phận sự) để đóng, phải đóng cho tuyệt sảo, nhưng phải có một lý tưởng. Đừng bao giờ đặt một lý tưởng có thể đạt tới. Vì khi đã đạt tới, chúng ta phải tìm một lý tưởng mới. Hãy đặt ra một lý tưởng bất khả đạt để lý tưởng đó hướng dẫn chúng ta một chiều thẳng tiến.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cái lý tưởng bất khả đạt đó không thể nằm trong hàng rào vị kỷ mà vượt ra vùng trời bao la vị tha. Cái lý tưởng bất khả đạt đó không thể hướng về trần tục mà phải hướng về thiên thượng là chỗ tuyệt đỉnh mà chúng ta ước nguyện được về sau khi qua đời.

Cái lý tưởng chân chính, niềm ước mong cao trọng của con cái Chúa chúng ta hướng về cái chân thiện mỹ nơi thiên thượng mà con người đã bị mất đi sau khi phạm tội. Đó là con người vinh hiển tuyệt vời, thánh thiện, toàn bích trong bàn tay sáng tạo của Thượng Đế.

Đó là cái lý tưởng chân chính kéo con người tội lỗi thấp hèn trở về với con người trọn vẹn nguyên thủy. Nhưng tiếc thay, lại cũng vì tội lỗi, cái lý tưởng chân chính không còn nữa, nên người trần thế “cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không” (Rô-ma 1:21).

Trong niềm tin của một con cái Chúa, tôi cảm nhận được rằng con đường lý tưởng đó đã được mở từ hơn hai ngàn năm nay, ngày Đức Chúa Jêsus giáng thế làm người, chịu chết trên thập tự giá, bị chôn, đã sống lại, đã thăng thiên về trời để lập thành con đường cứu rỗi đưa loài người đến cùng Đức Chúa Trời (Giăng 14:6; Hê-bơ-rơ 10:19,20). Biết bao con cái Chúa kế tiếp Ê-tiên cho đến giờ chót của cuộc đời vẫn giữ lý tưởng “mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời….thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Jêsus, xin tiếp lấy linh hồn tôi.” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:55-59). Con cái Chúa chân chính dầu đã chết hay đang sống đều đang chờ đợi ngày đạt đến lý tưởng trọn vẹn, đó là ngày “chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cho phép tôi tin rằng lý tưởng chân chính đó đã và đang giúp con cái Chúa chúng ta “gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu.” (I Cô-rinh-tô 10:33), lý tưởng chân chính đó đã và đang thúc dục con cái Chúa chúng ta “đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp-tem, sẽ được rỗi” (Mác 16:15-16). Cùng nhau con cái Chúa chúng ta khích lệ nhau giữ vững niềm tin vào chân lý chân chính này.