HOA LẠC GIỮA RỪNG GƯƠM




Tiếng xướng ngôn viên thật rõ ràng, dõng dạc qua máy phát thanh tại trại tỵ nạn Thái Lan: “Sau đây là danh sách đồng bào đi “Bẹt”  (Perth), rồi đến danh sách đồng bào đi “Ác Lầy (Adelaide), đồng bào đi “Méo buộc” (Melbourne) và đồng bào đi “Xích nầy” (Sydney). Bà già nằm trong danh sách đi “Xích Nầy” và bà chỉ biết “Xích nầy” thuộc Úc Châu, ngoài ra, bà hoàn toàn không biết gì nữa cả. Vài người biết chuyện đã nói với bà rằng “Đừng lo, Úc Châu đất rộng người thưa, đàn trừu hàng trăm triệu con, ngoại cứ chuẩn bị để chăn trừu. Trước đây ngoại trồng lúa, bây giờ ngoại chăn trừu. Đổi nghề chút đỉnh thôi.” Đêm trước khi lên máy bay, bà già không ngủ được, không phải vì sợ máy bay mặc dù đây là lần đầu trong đời bà được đi máy bay. Từ giã gia đình và quê cha đất tổ trong lúc không thể ngờ, khi chuyến đò vượt biên bị động, chủ ghe không chịu dừng thêm một trạm nữa để đón gia đình bà, bà già đã khóc dài trên đoạn đường đến Thái Lan, không phải vì sợ chết trên biển, nhưng vì phải xa cách gia đình, không biết đến bao giờ gặp lại. Bà nào có biết Thủ Tướng Malcolm Fraser của đảng Tự Do là người đã mở cánh cửa Úc Châu cho người tỵ nạn Đông Dương, và bà được nhận đi Úc. Năm nay là năm 1978.

Bà đang bước vào một thế giới mới. Phái đoàn Úc đến phỏng vấn người tỵ nạn có thông ngôn đi theo, tại trại tỵ nạn cũng có những người biết Anh Ngữ, nhưng trên chuyến máy bay này, không có thông ngôn. Bà chưa bao giờ chứng kiến cảnh một người không biết Anh Ngữ nhưng phải sử dụng mà không có người giúp đỡ, cho đến chuyến máy bay này.

Máy bay Qantas đầy hành khách, trong số ấy có mấy mươi người Á Châu tỵ nạn. Các cô chiêu đãi viên hàng không thật trẻ, thật đẹp, với chiếc áo đầm đầy hoa rực rỡ. Một tiếng đồng hồ sau khi cất cánh, họ dọn thức ăn cho khách. Những chiếc mâm nho nhỏ với một chút thức ăn trên một dĩa cũng nho nhỏ, nhìn mãi bà chẳng biết họ dọn món gì. Bà mơ ước một chút cơm, một chút canh nhưng làm sao mở miệng nói. Ngồi cạnh hai chú thanh niên, thấy họ cố gắng ăn mà thèm, nhưng bà chỉ nhìn, không ăn được. Chú ngồi cạnh bà nói với người bên cạnh:

  • Lạt quá! Để xin chút muối.

Rồi chú giơ tay lên. Một cô tiếp viên bước đến. Chú nói:

  • Xanh, xanh.

Cô tiếp viên ngơ ngác: “What?”

Chú tiếp tục nói: “Xanh, xanh” nhưng vô hiệu nghiệm. Cô ngơ ngác bỏ đi còn chú bực mình “Nói vậy mà cũng không hiểu.” Bài học đầu tiên đến với bà già trên một chuyến phi cơ rằng mình có thể nói Anh Ngữ mà người ta không hiểu. Bà biết rằng mình sẽ không có nan đề này, vì bà không biết tiếng Anh.

Người ta đưa bà đến Hostel ở Villawood. Chỗ ở như thiên đàng, sạch sẽ, ngăn nắp, ngủ không cần mùng mà không bị muỗi cắn… nhưng thức ăn là nan đề. Người Úc ăn cái kiểu gì, người Việt ăn không được. Mùi thịt trừu xông lên trong phòng ăn, áp đảo cả tinh thần lẫn thể xác. Nấu món gì mặn không ra mặn, ngọt không ra ngọt, lại thêm cái nước sền sệt màu nâu nằm trên dĩa, làm mất tinh thần. Những buổi huấn luyện có thông ngôn trình bày đời sống ở Úc, sau khi dọn ra khỏi Hostel, bạn sẽ làm gì. Một bà già ngồi cạnh bà trong phòng huấn luyện quay sang “Ngộ quá! Ở đây họ có “miếu bà”. Người Úc cũng có “miếu bà” cho đến khi người thông ngôn lên tiếng “Gần đây có milk bar, nơi có bán sữa, bánh mì và nhiều đồ lặt vặt khi quý vị cần.”

Bà già dọn ra khỏi hostel với một gia đình bà vừa làm quen, cùng quê, cùng xứ, một đôi vợ chồng với năm con, được một nhà thờ giúp đỡ dọn vào một căn nhà tại Marrickville. Nhà không có đồ đạc gì ngoại trừ vài món đồ hội từ thiện cho. Tấm “ra” trải giường được dùng để làm màn che cửa sổ. Hai món ăn chính là gạo và nước mắm phải có người trong hội chở ra tận vùng phố lớn của người Hoa để mua. Đường phố “Xích nầy” rộng quá, xe chạy ngược chiều nhưng khéo quá, không đụng nhau, người Úc chắc phải là người thông minh nhất thế giới. Lại không thấy xe đạp trên đường, chắc chánh phủ thâu mua hết rồi, đẩy người dân vào thế phải mua xe hơi vì kỹ nghệ xe hơi đang lên. Bà cũng nhận xét âm thầm rằng người Úc đi xe đạp cũng không được đâu, mập bự, tròn trịa, cao lớn như ổ bánh mì, xe đạp nào chịu cho nổi. Bà già cũng nhớ chẳng bao lâu sau khi người tỵ nạn Việt Nam đến Úc, thỉnh thoảng người Úc thấy một chiếc xe hơi “không người lái” trên đường; thật ra thì có người lái, nhưng vì người lái bé bé, xinh xinh, xe chạy sau không thấy được. Cảnh tượng này càng làm bà nhớ quê hương vì sau năm 1975, miền Nam Việt Nam mới biết đến “phở không người lái” và “đồng hồ không người lái.” Trên đường phố Úc cắm quá nhiều bảng, bà chẳng hiểu để làm gì, cho đến ngày kia, chú em trong gia đình có việc làm, sáng sớm 5g00 phải đón xe buýt và trạm xe ở bên kia đường, bà thấy chú em ngồi chồm hổm ngay trạm xe buýt. Bà nhớ đến bến đò của quê hương, nơi bà cũng ngồi như vậy để chờ đò. Chiều chú em đi làm về, bà hỏi tại sao cháu không đứng mà lại ngồi chờ xe buýt, chú giải thích “Ngoại ơi! Tại ngoại không hiểu tiếng Anh, bảng “NO STANDING” cắm ngay trạm xe, con phải ngồi, con đâu được phép đứng.” Bà thấy tiếng Anh nguy hiểm quá, mình không hiểu phải mang họa vào thân.

Lần kia bà có than thở với gia đình đang ở trọ rằng bà sợ phải bước ra ngoài một mình, không biết tiếng Anh, sợ lắm. Chú em trấn an ngay: “Đừng sợ ngoại, con cũng không biết nhiều mà con đâu có sợ. Mình chỉ cần biết hai chữ ‘Yết’ và ‘Nô’ là đủ. Để cho chắc ăn, cái gì ngoại cứ nói ‘Yết’, ‘Yết’ cho con. Người ta hiểu ý mình.” Rồi một ngày kia, chú em đi hớt tóc về. Lúc ấy chưa có thợ Việt Nam hành nghề hớt tóc, phải hớt với ông Úc. Mặt mày chú tiu nghỉu như vừa bị móc túi. Bà già hỏi sao vậy và được chú trả lời: “Người ta hớt tóc có ba đồng bạc mà tên này chém con 40 đồng. Con bị ăn cướp rồi ngoại ơi!” Bà già rầy: “Sao chú mầy không hỏi giá người ta?” Chú buồn rầu: “Con đâu biết hỏi giá. Con vô tiệm, cứ nói Cách! Cách! Ổng gật đầu, hiểu ý, mời con ngồi vào ghế, rồi ổng hỏi con một loạt, con chẳng hiểu gì nhưng cứ nói ‘Yết!’ ‘Yết!’. Thế là ổng cắt tóc, cạo râu, ráy lỗ tai, cắt lông mũi, gội đầu, xoa bóp cổ, xoa bóp vai con, xịt dầu thơm… Tuần này con hết tiền rồi ngoại ơi. Đi làm có 100 đồng bạc mà hớt tóc hết 40. Hèn chi trước khi bước ra khỏi tiệm, con thấy ổng cười cười.” Đêm ấy, bà già suy nghĩ rất nhiều, không biết có nên nghe theo lời chú em, cái gì cũng nói “Yết!” “Yết!” hay không.

Hôm nay trời rất nóng, mùa hè ở “Xích Nầy.” Bà chủ nhà bị cảm nắng nằm liệt giường nên nhờ bà già ra tiệm mua cánh gà về kho mặn. Bà già đành phải đi tiệm một mình vì không còn ai ở nhà. Tiệm gần nhà, chỉ mười phút đi bộ đã đến tiệm thịt. Khổ nỗi hôm nay trời quá nóng, tiệm thịt không bày các mâm thịt ở quày hàng mà cất trong phòng lạnh, người mua phải nói mình muốn mua gì. Bà già đứng chết trân trước cửa tiệm, không biết phải làm sao. Không lẽ chiều nay ăn cơm không có thịt? Bà chợt nhớ ai đó đã có từng nói rằng “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi, e sông” nên bà cương quyết bước vào, không ngại núi e sông nữa. Hai ông Tây bán thịt nhìn bà với đôi mắt đầy hiểu biết, người vào tiệm thịt chắc muốn mua thịt, nhưng thịt gì? Bà già định nói “Gà” nhưng nín kịp thời, biết rằng hai ông Tây chắc không hiểu. Bà chợt nhớ lúc ở quê nhà, sáng nào cũng nghe gà gáy và tiếng gà gáy là tiếng quốc tế rồi, gà Úc hay gà Việt cũng gáy thế thôi. Bà lấy can đảm, gáy nho nhỏ trong miệng “Ò ó o o! Ò ó o o!” Hai ông Tây hiểu ý, nhìn nhau cười khoái trá, vào bên trong bưng mâm gà. Chiều hôm ấy, gia đình có món gà kho mặn nhưng bà già không kể và người nhà cũng không hỏi làm sao bà mua được gà.

Nếu về việc lái xe, người Úc là người thông minh nhất thế giới thì về việc nhân đạo, người Úc là người tốt nhất thế giới. Bà già được hưởng trợ cấp già để sống suốt đời, vì nhớ đến con và cháu ở quê nhà, bà tằn tiện dành dụm, tìm đường dây gởi tiền về cho gia đình. Tiền cắc bà đựng trong những chiếc lon to, khi đầy lon, mang ra ngân hàng đổi tiền giấy. Lần đầu, bà cùng đi với chú em trong nhà, khệ nệ mang lon tiền cắc. Cô thu ngân đưa cho nhiều bao nylông nho nhỏ, cái thì đựng 1 xu, cái 2 xu, cái 5 xu, cái 10 xu… cho đến 50 xu. Bà và chú em phải sắp vào bao theo đúng số tiền, sau đó họ mới nhận. Và họ có căn dặn lần sau muốn gởi tiền cắc phải sắp sẵn trong bao khi mang đến ngân hàng, nhưng bà và chú em nào có hiểu. Một thời gian sau, bà mang tiền cắc đến gởi, cô thu ngân không chịu nhận, bà la lên “Bách! Bách!” ý muốn nói đưa bao đây để bà đếm tiền. Dĩ nhiên, cô này không hiểu ý. Bà nhìn quanh, cầu cứu. Tình cờ thấy một chú Việt Nam đứng gần, bà bảo chú giúp, không ngờ chú trả lời: “Ngoại ơi! Con hiểu ý ngoại. Ngoại nói tiếng Anh như vậy ông nội cô này cũng không hiểu, nhưng nếu con nói dùm ngoại, ông cố nội nó cũng không hiểu ngoại ơi.”

Đôi lần phải đến cơ quan chính phủ ngoài phố lớn, bà cùng đi với chú em trong nhà và cơ quan có cung cấp thông ngôn. Những văn phòng lớn khổng lồ, cửa kính thật sạch, bóng loáng, sang trọng. Bà kinh ngạc thấy rằng khi bà gần đến sát cửa, hai cánh cửa kính mở ra mà không thấy ai đứng mở cửa cả. Bà nhìn quanh để tìm người mở cửa, nhưng không thấy. Nhất định phải có người mở cửa, không biết họ núp ở đâu và làm sao lại phải núp? Bước vào bên trong cửa rồi, bà đi quanh trong phòng tìm người mở cửa. Hoàn toàn không thấy ai. Bà nghĩ rằng nước Úc này ngoài việc thông minh và tốt, họ có những điều bà không hiểu được. Nhưng chuyện cửa mở mà không thấy ai không so sánh được với chuyện ngày kia bà phải đi đến một nơi sang trọng ở trung tâm thành phố. Bà thấy vài người, đứng sắp hàng trước một cái thùng sắt to, đặt trước cửa một ngân hàng. Không biết họ làm gì, nhưng thấy họ rút tiền ra từ nơi thùng sắt. Bà già đến đứng sát bên để xem chuyện lạ, càng xem càng chẳng hiểu gì. Thùng sắt này có tiền bên trong? Làm sao nó biết người ta muốn bao nhiêu mà đưa đúng? Thùng sắt biết suy nghĩ như con người? Tình cờ, bà nghe tiếng một cặp vợ chồng Việt Nam sau lưng bà nói chuyện với nhau:

-  Ai ngồi trong đó mà phát tiền vậy?

-  Người ngồi trong đó không muốn cho mình thấy mặt, sợ bị ăn cướp.

- Ngồi lâu như vậy chịu sao cho nổi?

- Bà nói chuyện giỡn. Ở đây người ta làm có giờ, có giấc, có “ca.” Ai ngồi từ mấy giờ tới mấy giờ, người ta tính hết rồi.

- Nghề gì quá cực? Làm sao thở được? Mướn tui bao nhiêu tiền cũng không làm.

- Ai thèm mướn bà? Bà có hiểu người ta muốn lấy bao nhiêu tiền không?

- Tui đâu có nghe họ nói một tiếng nào đâu, sao người trong thùng hiểu ý?

- Úc với Úc hiểu ý nhau, bà thử lại nói tiếng Việt với cái thùng đó coi bà có được tiền không?

Càng sống lâu nơi xứ lạ quê người, bà càng cảm nhận được sự chăm sóc của chính phủ đối với người dân, nhưng xứ lạ vẫn là xứ lạ, quê người vẫn là quê người. Tâm hồn bà hướng về quê cha đất tổ, nơi có bến đò xưa, có con thuyền nho nhỏ chở khách sang sông, nơi bà biết rằng mình không thể trở về. Dần dần, chánh phủ có tổ chức những khóa học Anh ngữ dành cho mọi lớp tuổi, mọi trình độ khác nhau. Cô giáo của bà là một phụ nữ còn trẻ, vui vẻ và nhẫn nại với các học sinh già trong lớp. Học hành cả tháng rồi nhưng không biết nhận được bao nhiêu, chữ nghĩa trả gần hết lại cho cô giáo. Ngày kia, một học sinh già trong lớp hỏi cô giáo trẻ: “Cô ơi! Học chừng nào mới giỏi tiếng Anh vậy cô?” Cô vui vẻ trả lời: “ Nhiều năm trước ở Việt Nam, con cũng hỏi cô giáo tiếng Anh của con câu hỏi này. Bây giờ con xin nhắc lại câu trả lời cho bà. Mình học chừng nào tối ngủ mớ bằng tiếng Anh, lúc ấy là giỏi tiếng Anh đó.”

Sau nhiều năm ở “Xích nầy”, ngoài hai chữ “Yết” và “Nô”, bà biết thêm nhiều chữ khác như đi nhà “bank”, đi “shopping”, bye-bye, take away, dollar, no more, you, me… một sự tiến bộ bà cũng không ngờ. Nhưng mớ bằng tiếng Anh thật là một giấc mơ, giấc mơ có thể không thành sự thật. Trừ phi mình phải tập. Tập mớ bằng tiếng Anh. Bắt đầu từ ngày nhận được câu trả lời của cô giáo, bà tập mớ tiếng Anh, cứ một đêm nói “Yết” thì đêm sau nói “Nô” cho được quân bình.


Đoàn Thu Cúc