Con người biết cười, cười rất vui và cười cả trong cơn đau khổ. Nguyên nhân để gây ra cười thì nhiều lắm, bị nhột thì cười, nghe một câu chuyện tếu hợp “gu” mình là thấy tức cười, nhìn vào một sự việc ngớ ngẩn mán xá thấy buồn cười, nghĩ đến một câu nói ngây ngô vô tội của các cô cậu tí hon, tự nhiên bật cười. Cũng có lúc cười vu vơ, tôi cười chẳng biết vì sao tôi cười.

Có một loại cười, chúng ta thường dành để cười người và chúng ta cũng sợ loại cười này người ta dành cho mình, loại cười mà chúng ta được nhắc nhở qua ca dao :

Cười người chớ có cười lâu,Cười người hôm trước hôm sau người cười

Loại cười này chúng ta thường dành để cười người và rất dễ cười. Đôi khi cũng nên dành để cười mình mặc dầu rất khó cười. Song cười mình được thì rất khá, và có cơ nâng cao tầm nhận xét mình và người.

Chúng ta dễ cười người vì thấy người. Chúng ta không dễ cười mình vì luận lý bênh vực mình nằm sẵn trong tâm đã che lấp để mình không thấy mình. Nhìn rõ con người mình thì có nhiều việc đáng cười lắm. Tôi có tham dự một khóa học về nghệ thuật nói trước công chúng (the art of public speaking). Sau phần lý thuyết, mỗi học viên phải thực tập diễn thuyết trước lớp, có thâu video, rồi chiếu lại để cả lớp nhận xét và góp ý phê bình. Có học viên bật cười khi nhìn lại mình, nhận ra đôi tay thừa thãi chẳng biết làm gì khi nói, đã đút tay vào túi quần song sóc chùm chìa khóa và mấy đồng tiền lẻ. Có anh nhận ra cái tật nắn lại cà-rà-vạt, có anh lại thỉnh thoảng kéo quần nhích lên, có anh quơ tay rất kịch, đi lại hơi nhiều, lại có anh nhún nhẩy như khiêu vũ. Nhìn lại mình, cái “body language” thật lẩm cẩm, anh thì cười xòa, anh thì cười gượng lẩm bẩm:“What’s the hell”. Thật không ngờ như vậy, trông chẳng giống ai. Lần diễn thuyết kế tiếp, những tật, những cử chỉ làm cho mình tự cười đã bớt đi.

Có vị quan lớn nọ, nhìn lại mình, thấy bản chất thật của mình đã bật cười qua bốn câu thơ :

Ban ngày lẫm liệt như thần  Tối đến thì lại tần mần như ma

Ra ngoài oai vệ như cha      Ở nhà thì lại rầy rà như con

Nhìn ra mình mới cười cái “lẫm liệt” cái “oai vệ” rất kịch, nhìn ra mình mới cười cái “tần mần” cái “rầy rà” rất thực như bao người khác.

Có một đêm nào đó, bất chợt, nửa đêm thức giấc. Giấc ngủ nửa vời đã phục hồi phần nào sức khỏe, tâm tư thư thái, nhắm mắt nhìn mình. Đừng cố bào chữa, vì không tố cáo. Đừng cố che đậy, vì chẳng ai tò mò. Ôi ! những ti tiện, bẩn thỉu mà mình đã thấy nơi người khác đang lẩn khuất trong ta, mà ta đã cố gắng dùng danh gia vọng tộc, hoặc nhắm mắt cầu nguyện xin Chúa cho ta sự thông sáng và khôn ngoan, để trấn áp những hành vi nhớp nhúa đó. Và thường tự ái như màn sương đục che phủ cho ta nhìn thấy nó lờ mờ.

Thủa ban đầu, con người nhìn bóng mình lung linh trong nước. Rồi dần dần tiến bộ soi bóng mình mờ mờ trong những miếng kim khí đánh bóng. Ngày nay không biết bao nhiêu lần chúng ta nhìn bóng mình trong gương bằng thủy tinh được tráng men khéo léo, để hình ảnh mình phản ảnh trung thực một trăm phần trăm.

Quý vị có dịp vào những khu giải trí công cộng, quý vị có thể tìm ra một vài nơi có những tấm gương để quý vị soi mình và nhiều hình ảnh quái dị khác nhau hiện ra. Với tấm gương này, quý vị thấy mình cao lêu nghêu, gầy tong teo với thân hình cân đối hiện hữu. Quý vị soi thêm tấm gương kế, một chàng lùn quá cỡ với thân hình nẩy nở bề ngang dị thường xuất hiện. Quý vị mỉm cười, soi thêm tấm gương khác. Một quái thai, hai nửa phần trên thân xuất hiện ngược chiều dính liền chính giữa. Quý vị bật cười.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chắc hẳn chúng ta có những lần bối rối, lúng túng, mặc cảm với những tấm gương : tiền bạc, nghèo nan, danh vọng, bạc phận, khen chê. Nhưng gẫm lại, lắm lúc bật cười cho cá ngớ ngẩn “yên chí như vậy” qua những tấm gương đánh lừa phản chiếu.

Người Pha-ra-si đã soi mình trong tấm gương nên thấy mình : “tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy” (Lu-ca 18:11). Phao-lô cũng đã soi mình trong tấm luật pháp và thấy mình “về sự công bình của luật pháp, thì không chỗ trách được” (Phi-líp 3:6), nhưng khi nhắm mắt nhìn mình thì thấy rõ : “tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn” (Rô-ma 7:18-19), và chắc hẳn ông cũng đã tự cười cái “lực bất tòng tâm” của mình.

Thưa quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân,

Mặc dầu “lực bất tòng tâm” thường có đó, thế mà nhiều người vẫn tin tưởng vào tự tu, tự sửa, và tự nguyện cố “làm lành, tránh dữ” là có thể tìm về được cõi tốt lành nào đó, nhưng làm sao tu sửa tấm lòng : “đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót” (Rô-ma 7:18-19) được đây. Người ta có thể bật cười khi nhìn thấy một vị tu sĩ vẫn thản nhiên “tu tại tù” trong phòng dành riêng cho tử tội. Có lẽ người đó đang cười mình đấy. Lời Kinh Thánh khẳng định rằng : “linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4). Người đó đang ở trong địa vị “chết” mà vẫn ráng tu sửa, như “Hoa trong lọ sắp tàn còn ráng nở”.

Chẳng lẽ con người đành tự cười mình như Cao Bá Quát khi sắp lìa đời :

Một chiếc cùm lim chân có đế      Ba vòng xích sắt bước thì vương.

Cười cho cái mộng “đế vương” đeo đuổi để chỉ còn “đế” của chiếc cùm và “vương” mỗi bước đến chỗ thọ hình.

Chẳng lẽ con người đành cười với mình trong nỗi tuyệt vọng. Cười mình như vậy thảm quá. Không, con người chúng ta tội lỗi như vậy vì “lực bất tòng tâm” như vậy, chắc “chết” như vậy, mà lại đạt thành mộng ước, không làm mà được, không tu mà đắc đạo, không chết mà lại sống và sống đời đời, qua tấm lòng tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của đời mình. Đó là phép lạ mà con cái Chúa chúng tôi đã chiêm nghiệm. Vui cười với mình trong hy vọng tràn đầy.