Rô-ma (Romans) 12:1-2

 
Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Ðức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Ðức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Ðừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Ðức Chúa Trời là thể nào.
 
Dưỡng linh:
 
Trong Cựu Ước, tất cả sự thờ phượng gắn liền với việc dâng của tế lễ cho Đức Chúa Trời. Sau khi Chúa Jesus đến thế gian hy sinh làm của tế lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời để chuộc tội cho nhân loại, Cơ-đốc giáo không còn nói đến việc dâng tế lễ bằng con sinh trong sự thờ phượng. Thay vào đó, sự thờ phượng của Cơ đốc giáo liên quan đến việc dâng chính đời sống của tín nhân như là của tế lễ cho Đức Chúa Trời. Sau khi nói đến ân ban phỉ phu của Đức Chúa Trời cho con người qua công lao cứu chuộc của Chúa Jesus Christ (Rô-ma 1-11), sứ đồ Phao-lô kêu gọi tín hữu đáp ứng lại bằng sự vâng phục xuất phát từ lòng biết ơn. Sự đáp ứng này không gì khác hơn ngoài việc dâng chính mình cho Đức Chúa Trời như là một của tế lễ. Xuất phát từ lòng yêu thương con người tội lỗi, Đức Chúa Trời đã sai Con một yêu dấu của Ngài đến thế gian. Nay bởi lòng thương xót của Ngài, Cơ-đốc nhân được kêu gọi dâng hiến chính mình cho Đức Chúa Trời. Con người tội lỗi chẳng có giá trị gì để dâng cho Đức Chúa Trời nếu không phải do lòng thương xót của Ngài để nhận lấy chính họ lại cho Ngài.
 
Sự thờ phượng ra từ con người và từ con người mới có sự thờ phượng. Vì thế, trong sự thờ phượng không thể thiếu sự dâng hiến chính mình cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chấp nhận sự thờ phượng không phải vì hành động thờ phượng mà là vì con người thờ phượng. Sự dâng mình ở đây bao gồm: ý chí, lý trí, tình cảm, và thể xác. Toàn bộ con người (the whole being) phải được đầu phục ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong ngôn ngữ của sự thờ phượng, “thân thể” phải được dâng lên làm của lễ “sống, thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời.” Ngày xưa con sinh phải được giết trong việc dâng tế. Ngày nay, Chiên Con của Đức Chúa Trời đã bị giết để dâng làm của tế lễ thay cho con người bởi đó được sống để dâng chính mình cho Đức Chúa Trời. Sự sống con người là một sự vay mượn từ nơi Đức Chúa Trời. Vì thế, việc Cơ-đốc nhân dâng chính mình cho Đức Chúa Trời là sự đáp ứng lại với điều Đức Chúa Trời đã làm cho con người. Của lễ này là “thánh” có nghĩa là được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời để thuộc về Ngài và cho Ngài sử dụng. Trong sự thờ phượng, Cơ-đốc nhân một lần nữa xác quyết rằng mình thuộc về Đức Chúa Trời trọn vẹn và bằng lòng để cho Ngài sử dụng cuộc đời mình. Đó là ý nghĩa của động từ “dâng.” Qua công lao cứu chuộc của Chúa Jesus, Cơ-đốc nhân trở thành của lễ “đẹp lòng Đức Chúa Trời” hay “được Đức Chúa Trời chấp nhận.” Ngoài Chúa Jesus ra, không có điều nào từ nơi con người mà Đức Chúa Trời có thể chấp nhận.
 
Những yếu tố “sống, thánh, và đẹp lòng Đức Chúa Trời” hình thành nên sự thờ phượng “phải lẽ” của Cơ-đốc nhân. Từ ngữ “phải lẽ” được sử dụng hai lần trong toàn bộ Kinh Thánh Tân Ước (Rô-ma 12:1; 1 Phi-e-rơ 2:2). Nó mang tính chất thuộc linh (spirituality) và chứa đựng tính chất lý lẽ (reason). Nguyên gốc của từ ngữ này liên hệ mật thiết với từ “ngôi lời” (logos) trong Giăng 1:1, chỉ về Chúa Cứu Thế Jesus là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời. Như vậy, điều này cho chúng ta thấy, Chúa Jesus chính là nền tảng của sự thờ phượng của Cơ-đốc nhân. Nếu không được đặt trên công lao cứu chuộc của Chúa Jesus Christ, tất cả sự thờ phượng của Cơ-đốc giáo hoàn toàn sụp đổ và vô nghĩa đối với Đức Chúa Trời. Bao nhiêu lần con người muốn thờ phượng Đức Chúa Trời bằng chính năng lực của mình và phương cách của mình. Nhưng chỉ có sự thờ phượng qua công lao cứu chuộc của Chúa Jesus Christ mới được Đức Chúa Trời chấp nhận vì do chính Đức Chúa Trời thiết lập sự thờ phượng ấy. Chúng ta thường hay nói đến những yếu tố của sự thờ phượng Đức Chúa Trời như: ca ngợi, dâng hiến, sứ điệp v.v. . . nhưng tất cả chưa phải là sự thờ phượng chân chính cho đến khi nào những điều đó xuất phát từ con người được Chúa Jesus Christ cứu chuộc và Thánh Linh của Đức Chúa Trời hành động để tận hiến cho Đức Chúa Trời nơi sâu thẳm của ý chí, lý trí, tình cảm của con người. Khi đó sự thờ phượng “phải lẽ” mới thật sự xảy ra.
 
Vì sự thờ phượng liên quan mật thiết với chính con người thờ phượng hơn là hành động thờ phượng, cho nên trong sự thờ phượng chính con người phải được chuẩn bị trước hết thay vì chỉ chuẩn bị chu đáo những hành động của sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Có những hành động thờ phượng mà Đức Chúa Trời không kể là sự thờ phượng chân chính vì nó không xuất phát từ con người thờ phượng. Danh từ “thờ phượng” có nghĩa là “hầu việc” hay “dâng tế lễ” cho Đức Chúa Trời (Giăng 16:2; Rô 9:4; 12:1; Hê 9:1, 6). Thờ phượng đồng nghĩa với sự phục vụ trong ngôn ngữ của Tân Ước. Như thế, sự thờ phượng của Cơ đốc giáo không chỉ bị giam hãm trong bốn bức tường của ngôi thánh đường, nhưng nó đi vào tất cả mọi ngỏ ngách và từng nẻo đường của cuộc đời của Cơ-đốc nhân. Hơn thế nữa, sự thờ phượng của Cơ-đốc nhân không phải chỉ là những gì con người hướng đến Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế Jesus, nhưng còn là chỗ con người mở toát cuộc đời mình ra để cho Ngài biến đổi mình trở nên giống như Con Ngài. Khi Cơ-đốc nhân càng thờ phượng Đức Chúa Trời, người ấy càng được biến đổi trở nên giống Chúa Jesus Christ. Khi càng giống Chúa Jesus Christ thì Cơ-đốc nhân sẽ càng ít giống đời này. Khi đó, Cơ-đốc nhân sẽ khám phá ra ý muốn của Đức Chúa Trời là “đẹp lòng và trọn vẹn” là thể nào.
 
Cầu nguyện:
 
Con cảm tạ ơn Chúa Jesus đã đến trần gian này để chết thay cho con và làm sinh tế chuộc tội lỗi của con để con được sống. Nay con xin hiến dâng cuộc đời con cho Ngài một lần nữa như là hành động của sự thờ phượng. Xin chính Chúa giúp con luôn sẵn lòng mở cuộc đời ra để Chúa Thánh Linh tiếp tục biến đổi và tái tạo con ngày càng trở nên giống Con yếu dấu của Ngài hầu con khám phá ý muốn của Ngài là tốt lành và trọn vẹn mỗi ngày. Amen!

Posted by Trn Trng Nha