Tôi luôn cảm nhận được sự độc đáo của tiếng Việt mình, khiến đôi lúc tôi có cảm giác hãnh diện. Qua lãnh vực ngôn ngữ, một chữ chỉ cần ghép thêm với một chữ nữa là bầy tỏ được một ý nghĩa nào đó độc đáo mà các ngôn ngữ khác khó có.

Nguyện là mong ước. Nguyện có thể được ghép thêm một chữ như là cầu nguyện, tình nguyện, ước nguyện, tự nguyện v.v.

Cầu nguyện là cầu xin với đấng thiêng liêng mình tôn thờ làm thành điều mình mong ước. Nhiều năm qua, người Việt hải ngoại tổ chức những buổi “thắp nến cầu nguyện cho quê hương”, thành quả ra sao không cần nghĩ, song ít ra cũng bày tỏ được sự đồng lòng của người Việt hải ngoại cùng một mong ước.

Thưa quý vị chưa phải là con cái Chúa,

Người đang chia sẻ niềm tin Tin Lành đến quý vị, không biết Thần Linh quý vị tôn thờ có hứa sẽ làm điều quý vị cầu xin hay không, nhưng quý vị chức sắc trong tôn giáo lại gián tiếp hay trực tiếp bày đặt quy ước “tốt lễ dễ van” để Thần Linh đáp ứng lời cầu xin.

Cứu Chúa Jêsus của Cơ Đốc nhân có phán như sau : “Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con. Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho” (Giăng 14:13-14). Lời Chúa Jêsus không có nghĩa Cơ Đốc nhân “cầu gì được nấy”, song “xin điều chi” vì cớ “danh” Ngài, là hiệp với “ý” Ngài qua Lời Kinh Thánh hầu “Ý Cha được nên, ở đất như trời” (Ma-thi-ơ 6:10), “để Cha được sáng danh nơi Con”, thì “làm cho”.

Cơ Đốc nhân chân chính không “cầu xin” theo ý mình, theo “tư dục xác thịt mình” (Ê-phê-sô 2:3). Khi Cơ Đốc nhân “cầu xin” những điều Kinh Thánh không dạy là “cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình” (Gia-cơ 4:3). Lạ một điều, có những người ngẫu nhiên nhận được điều mình “cầu xin” và không ngại tuyên bố “Chúa nhậm lời cầu xin” và ban cho, lớn tiếng “tạ ơn Chúa”. Trong niềm tin vào Lời Chúa, tôi tin rằng không phải “Chúa ban cho” mà “ma quỷ ban cho”. Ma quỷ có quyền “cho ngươi hết thảy mọi sự” (Ma-thi-ơ 4:9) khi Cơ Đốc nhân làm theo ý nó xui khiến.

Cơ Đốc nhân chân chính vâng theo Lời Chúa dạy : “Nhân danh ta cầu xin” để có, hầu “nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều” (Cô-lô-se 3:17).

Chúng ta dễ dàng “cầu nguyện” và dễ dàng “tình nguyện” tham gia khi nhận được lời mời gọi có chính nghĩa, có chất lượng, ý nghĩa hay “hấp dẫn”. “Tình nguyện” ra nhập vào các hội “thiện nguyện” là có cảm giác mình có lòng thiện, tâm tình cao thượng.

Có thể nói tiếng ghép với chữ “nguyện” nên thơ, lãng mạn, hào hùng, cao cả với hy vọng, ai cũng có thể bày tỏ, đó là “ước nguyện”.

Đôi trai gái ngồi bên nhau : “Đôi tim ước nguyện duyên đầu, Mình cùng đi hết nhịp cầu ái ân”. Vợ chồng già dắt tay nhau đi tản bộ : “Ngày đêm ước nguyện tình luôn trẻ”. Người đạo đức tìm đến cái thiện : “Ước nguyện tâm lành mãi khắc xâu”. Hợp tác làm một một việc : “Ta cùng nhau xây chung lời ước nguyện”. Rồi khi chia tay nhau : “Khi chợt hiều không thể tròn ước nguyện”. Người Việt ở hải ngoại : “Mỏi ngóng quê nhà ước nguyện trao”. Để rồi có người : “Ước nguyện không thành ôm nỗi nhớ”.

Ước nguyện có dưới nhiều hình thái bao nhiêu, thì tự nguyện lại đơn độc bấy nhiêu.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúa Jêsus phán : “Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta” (Mác 8:34). Chúa Jêsus không ép buộc Cơ Đốc nhân “phải” theo Ngài, nhưng “tự nguyện” theo Ngài.

Người tự nguyện theo Chúa chân chính thường hội đủ 5 điều cần : nhìn thấy chủ đích, hiểu biết, khả năng nhận định, có nghị lực và dám hi sinh. Người tự nguyện hội đủ 5 điều trên còn phải tự nguyện đưa mình vào kỷ luật và tuân theo.

1. Nhìn thấy “chủ đích” của Ngài - “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15), chớ không phải cứu khổ, cứu nghèo, cứu bệnh, ban cho người ơn phước tậu được nhà cao, cửa rộng, xe sang đắt giá v.v.

2. “Hiểu biết” Ngài rõ ràng “Sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết” (Phi-líp 3:8).

3. Có “khả năng nhận định” trong sự suy gẫm để “Nguyện sự suy gẫm tôi đẹp lòng Ngài” (Thi-thiên 104:34) và “biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

4. Người tự nguyện phải có “nghị lực” để vượt qua cản trở hầu “tam tứ núi cũng trèo, thập bát giang cũng lội, nhị thập đèo cũng qua”. Thánh Phao-lô đã theo Chúa với đầy “nghị lực” : “Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ” (II Cô-rinh-tô 11:23-27). Làm sao Thánh Phao-lô có “nghị lực” phi thường như vậy ? Vì : “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13).

Nghị lực” cần có không những để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, mà còn để đủ sức “vác thập tự giá mình” (Ma-thi-ơ 16:24) theo Chúa, là làm trọn công việc Chúa giao phó cho mình.

Người tự nguyện “theo” Chúa không “chọn” công việc mình muốn làm, nhưng làm việc Chúa giao. Chúa Jêsus “tự nguyện” : “Không theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn” (Mác 14:35). Cả cuộc đời Chúa Jêsus tại thế, Ngài đúc kết trong một câu : “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm” (Giăng 17:4).

Người tự nguyện “theo” Chúa mà không “làm xong công việc Cha giao cho làm” là lâm vào tình trạng “chạy bá vơ … đánh gió” (I Cô-rinh-tô 9:26).

5. Người tự nguyện “theo” Chúa phải dám “hi sinh”. Trong đời sống xã hội, con người đã đánh giá “hi sinh” là phẩm chất trong con người, là sự chịu thiệt thòi không phải vì mình mà vì người khác hay tập thể. “Hi sinh” rèn luyện con người đức tính dũng cảm để “chịu” hầu đạt đến điều mình ước nguyện. Lịch sử Việt Nam cho chúng ta ghi nhớ Lê Lai, vị tướng thời nhà Lê đã “hi sinh” mạng sống mình để cứu Vua Lê Lợi.

Kinh Thánh ghi lại sự “hi sinh” của Chúa Jêsus như sau : “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:6-8).

Thánh Phao-lô và tất cả những người “tự nguyện” “theo” Chúa đều biết “hi sinh” “chẳng kể sự sống mình là quí…sẵn lòng vì danh Đức Chúa Jêsus chịu chết” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:24, 21:13).

Cơ Đốc nhân khó có cơ hội “sẵn lòng vì danh Đức Chúa Jêsus chịu chết”, song có cơ hội “chẳng kể sự sống mình là quí” để từ chối “sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta” (Ê-phê-sô 2:3), song biết “đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục” (I Cô-rinh-tô 9:27) và tạo ra quy luật “mắc nợ” phải trả.

Thánh Phao-lô tự nguyện “mắc nợ” : “Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người giã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt. Ấy vậy, hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin Lành cho anh em” (Rô-ma 1:14-15). Thánh Phao-lô “mắc nợ” tổng quát, Mục sư Nguyễn Văn Kiên tự nguyện “mắc nợ” chi tiết “Ôi mục tử! Một cuộc đời mắc nợ” :

         Đến bao giờ mới trả xong

         Nợ lời hứa từ khi nghe Chúa gọi

         Nợ bài thánh vịnh chưa tròn giờ tình nguyện

         Nợ những giờ thăm viếng buổi chiều đông

         Nợ bao kẻ liệt giường đang trông ngóng

         Nợ bài giảng chưa xong ngày Chúa Nhật

         Nợ người nghèo bàn tay thân mật

         Nợ ban nhi đồng ánh mắt dễ thương

         Nợ thanh thiếu niên đầy nhiệt huyết lên đường

         Nợ các gia đình cần lời an ủi

         Nợ lời khuyên cho lứa đôi khúc mắc

         Nợ yêu thương và ánh mắt cảm thông

         Nợ những bước chân trong trưa hè nắng gắt

         Nợ đến thăm bao địa chỉ khó nghèo

         Nợ các cụ trong bệnh xá đơn côi

         Nợ anh chị em cùng chung lý tưởng

         Nợ người lương, người Phật, kẻ vô thần

         Nợ hi sinh, nhẫn nhục,nợ trái tim vàng

         Nợ cô gái, chàng trai trong đời tội lỗi

         Họ vẫn cần tìm lại mái nhà Cha

         Ôi! mục tử, một cuộc đời sao trả hết.

Quyết tâm “trả nợ”, nên cả hai ông bà mục sư “tự nguyện” dùng tất cả tiền bạc mình có, mỗi năm lìa nhà sáu, bẩy tháng đi khắp nơi “trả nợ” đồng bào ta còn bị khổ sở lưu lạc nơi xứ người.