Một kỷ niệm buồn vui lẫn lộn khoảng giữa năm 1955, sau ngày di cư vào Nam, đôi lúc hiện lại trong trí óc tôi, và ngay tại thời điểm đó, tôi cảm nhận được yêu thương tha nhân thật chẳng dễ.

Nhớ ngày sống tại Phú Nhuận, Sàigòn, sau ngày di cư vào Nam, lúc đại gia đình chúng tôi đã có được một căn nhà mái tôn, vách gỗ để sống, bố mẹ tôi cho chúng tôi đi ăn phở để mừng “nhà mới”. Trong khi đang ăn, bỗng có tiếng người yếu ớt “Xin ông bà và các cô các cậu vài đồng để sống qua ngày”. Tôi ngoảnh lại nhìn thấy một ông già ăn xin. Cùng lúc đó tôi thấy bà ngoại tôi móc trong hầu bao (một loại ví ngày xưa) một đồng để định cho ông già ăn xin, thì tôi thấy mẹ tôi hơi cau mày nói “Mới tản cư vào đây, còn nghèo mà sao mẹ hoang vậy, cho ít thôi”. Bà ngoại tôi lẳng lặng xé đôi tờ giấy một đồng, đưa một nửa cho ông già, và sau đó không nói chuyện cùng con cháu như thường lệ nữa. Thời gian trôi đi, sau này lớn lên, tôi mới đoán được ý nghĩ của bà ngoại mình. Người giúp mình lúc khốn khó thì nhận, nhưng giúp người lúc mình khá rồi thì sao khó vậy.

Tình yêu của người dành cho người thường nằm trong vòng vị kỷ. Khi đối tượng nằm bên trong vòng đó, tình yêu dễ làm lòng người bồi hồi xúc động, và hành động nói lên tình cảm đó được làm ngay. Nhưng khi đối tượng nằm bên ngoài, dầu có ở trong ranh giới vị tha, dẫu được lương tâm thôi thúc, dầu người đời van xin, tốc độ tình yêu vẫn không hơn rùa bò. Biết bao mảnh đời vẫn triền miên trong đau khổ, vì sao nhỉ? Tôi chỉ biết nghĩ vì những khổ đau hay cực nhọc để kiếm sống, vì lòng vị kỷ đè nặng trong tâm hồn, tình yêu của con người đã bị khô cằn, lòng người trở nên trai đá, mặc dầu tình yêu đâu đó vẫn ở trong tim. Rất nhiều người vẫn khoanh tay ca ngợi tình yêu bằng những câu nói, vần thơ thật nhẹ nhàng trong sáng, những giọt nước mắt chạy dài trên má, nhưng đó hình như chỉ là một loại thuốc ru ngủ lương tâm mình, trong khi chẳng thấy được bao nhiêu hành động để lương tâm thấy “ngôn hành nhất quán".

Một ước mong đơn giản của tôi, một con cái Chúa về già như bà ngoại tôi ngày xa xưa là “Đem chân tình chia sẻ với người cần sự giúp đỡ những gì Chúa đã ban phát cho tôi.”.

Leon Tolstoi, một văn hào người Nga của thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ thứ 20, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng “Chiến tranh và hòa bình",  “Người ta sống bằng gì ?”. Ông đã sống một cuộc đời với nội tâm khắc khoải, dằn vặt, ân hận, băn khoăn, chỉ vì không tìm được ý nghĩa cuộc sống của con người. Đến năm 82 tuổi, mặc cho tuổi già sức yếu, ông đã bỏ nhà ra đi để tìm cho được ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Rồi sau đó, ông đã âm thầm qua đời tại một thị trấn nhỏ.

Sau khi đã đọc Kinh Thánh, và dựa vào những ý nghĩa của “Bài Giảng Trên Núi” của Đức Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ từ chương 5 đến hết chương 7), ông đã gửi tâm tư ông vào chuyện ngắn “Người ta sống bằng gì ?”, và câu chuyện này đã gây một ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội trưởng giả thời đó.

Cốt chuyện có ba nhân vật chính, bác thợ giầy Simon, vợ Matriona, và đứa trẻ tên Michel. Theo câu chuyện Michel là một Thiên Thần bị Trời đày xuống trần gian mà Simon đã nhặt được bên ngôi nhà nguyện. Trước khi Michel bị đày, Trời đã bảo chàng : Ngươi sẽ hiểu trong con người có gì, con người không được hưởng gì , và cái gì làm sống con người.

Trong sáu năm sống trong nhà bác thợ giày, Michel chỉ có thể cười có ba lần. Nụ cười đến với Michel mỗi lần chàng đã tìm ra một ý nghĩa cho cuộc sống.

-         Nụ cười thứ nhất của Michel khi chàng hiểu trong con người có tình yêu.

-         Nụ cười thứ hai của Michel khi chàng thấy con người ta không nhận biết được những nhu cầu thật sự thiết yếu của thân xác mình.

-         Nụ cười thứ ba của Michel khi chàng cảm nhận được người ta không sống vì những nhu cầu thân xác mà sống vì tình yêu.

Nếu chúng ta không có tình yêu, quả thật cuộc đời thật vô nghĩa. Nó tương tự như muối đã mất chất mặn, mật ong đã mất chất ngọt. Lời Kinh Thánh dạy rằng “Chúng ta phải yêu thương lẫn nhau” (I Giăng 3:11) và “tình yêu thương phải cho thành thật” (Rô-ma 12:9).

“Thành thật” đây có nghĩa là có lòng vị tha, không chút vị kỷ. Tôi đã được nghe một vài chuyện giúp đỡ những người thiếu may mắn ở Việt Nam.

Có một người ăn mặc hết sức đơn sơ, đã đem đến một trại mồ côi và đưa một phong bì cho người có trách nhiệm của trại, rồi lặng lẽ cúi đầu chào, rảo bước đi khỏi. Khi người có trách nhiệm xem lại phong bì, chỉ đúng có một giòng chữ : Xin tặng các em thiếu may mắn, bên trong một số tiền mặt. Người nhận chẳng biết tên tuổi người đó là ai để cảm tạ, chỉ biết dưng dưng nước mắt, thầm bày tỏ sự tri ơn dành cho con người có lòng hảo tâm nọ. Tình thương yêu loại này quả không gợn chút vị kỷ, loại tình yêu thương thành thật mà Chúa muốn con cái Ngài làm.

Lại cũng có một vị giám đốc hãng sản xuất đồ chơi trẻ em tặng một số tiền lớn, nhưng muốn cho người đời trong xã hội, nhất là bè bạn được biết, nên bà đã nói khéo để người nhận món quà giá trị vật chất cao phải tổ chức một buổi lễ nhận, có báo chí chụp hình. Nghĩ gì đây, cảm động hay thở dài ? Tình thương yêu loại này này đã bị “vị kỷ” đè nặng lên trên, “nhất cử lưỡng tiện”, bà giám đốc được tiếng là có lòng vị tha, bè bạn bà sẽ cúi đầu kính phục bà, và những sản phẩm của hãng bà sẽ được mẹ các em bé muốn mua để ủng hộ con người có lòng nhân đạo. Đây là loại tình yêu thiếu tính chất chân thật, vẩn đục lòng vị kỷ. Kinh Thánh dạy rằng “Mọi điều anh em làm, hãy lấy lòng yêu thương (chân thật) mà làm” (I Cô-rinh-tô 16:14).

Trong tình yêu thương tha nhân, có một điều dạy thật khó đối với con người. Đức Chúa Jêsus dạy rằng : “Nếu các ngươi yêu kẻ yêu mình, thì có ơn chi? Người có tội cũng yêu kẻ yêu mình.  Nếu các ngươi làm ơn cho kẻ làm ơn mình, thì có ơn chi? Người có tội cũng làm như vậy. Nếu các ngươi cho ai mượn mà mong họ trả, thì có ơn chi? Người có tội cũng cho người có tội mượn, để được thâu lại y số. Song các ngươi hãy yêu kẻ thù mình; hãy làm ơn, hãy cho mượn, mà đừng ngã lòng. Vậy, phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ làm con của Đấng Rất Cao, vì Ngài lấy nhân từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ. Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót.” (Lu-ca 6:32-36). Nghĩa là chúng ta phải yêu thương những kẻ có ý tưởng bất đồng, có lời nói bất xứng, có hành vi ngược ngạo, có tâm địa xảo trá. Đọc câu Kinh Thánh trên lúc mới trở về trong cánh tay Ngài, tôi hay buột miệng “Lạy Chúa, xin Chúa làm cho lòng con yêu được những người này để “Ý Chúa được nên”. Họ có bao giờ thèm để tâm đến loại tình yêu này đâu ?”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Sau những ngày trên bước đường theo Chúa, gần đây tôi mới cảm nhận được rằng chúng ta vẫn có thể vâng phục lời dạy của Chúa trong tâm tình thanh thản. Chúng ta thử chăm chú vào những điểm tốt của họ, lấy đó làm điểm tựa cho tình yêu thương phát xuất. Có người nói “không cần lựa lời” (ác khẩu) nhưng lòng ngay thẳng. Yêu lòng ngay thẳng, và cố tìm dịp thuận tiện, giúp người đó hiểu được và  sửa được cái “vạ miệng”. Có người tâm địa xảo trá, vì nghĩ rằng có như thế mới “trên chân" đời này, vì tình trạng ấu trĩ cả về tâm thần lẫn “kinh nghiệm sống” trong đời.

Thánh Phao Lô nhận định “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ” (I Cô-rinh-tô 13:11). Thôi hãy thương họ, cầu nguyện xin Chúa ban cho mình sự khôn sáng hầu giúp họ thành nhân.

Chúa Jêsus đã thương những người nghịch với Ngài, trong sự ấu trĩ, nên dâng lời cầu nguyện thiết tha : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:34). Tiên tri Ê-tiên cũng hiểu được sự ấu trĩ của đám người đang hung hăng ném đá vào người ông. Ông cầu nguyện với tấm lòng đầy yêu thương : “Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ! Người vừa nói lời đó rồi thì ngủ.” (Công vụ các sứ đồ 7:60).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta cần một tấm lòng đơn sơ để yêu người, không cùng một niềm tin, dầu đáng yêu hay không đáng yêu. Ta phải cảm nhận được ngay rằng : Đây cũng là người mà Chúa đã bằng lòng chịu chết vì tội lỗi họ, một người Chúa muốn cứu,  một người Chúa yêu … Ta hãy thưa cùng Chúa : “Lạy Chúa, Chúa yêu người này, xin Chúa giúp con yêu người này.”. Tôi tin rằng tình yêu thương thúc giục ta đem họ về với Chúa.

Khi chúng ta cảm thấy không thể yêu một con cái Chúa khác, hãy nhớ lời Chúa : “Vì có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được. Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình.”. Bề ngoài, chúng ta chẳng có một dấu hiệu , phù hiệu nào chứng tỏ trên trần thế chúng ta là con cái Chúa. Chúa Jêsus dạy : “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:34-35). Thánh Phao-lô nguyện cho các con cái Chúa : “Lại nguyền xin Chúa làm cho anh em thêm và đầy lòng yêu thương đối với nhau cùng đối với mọi người” (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:12).

Mong rằng trong giờ thờ phượng, cũng như ngoài đời, chúng ta hãy cầu nguyện hay hát tôn vinh Chúa : “Lạy Chúa, con yêu Ngài …..” với tấm lòng thương yêu anh chị em trong Chúa của mình thật sự. Nguyện xin danh Chúa được tỏa sáng nơi trần thế qua tấm lòng yêu thương của quý anh chị .