Vì tự ái, chúng ta dễ tha thứ cho mình. Cũng vì tự ái mà chúng ta khó tha cho người, “giận thật, không thể tha thứ được, nói tha thứ ai cũng dễ nói, nhưng khi bị mất danh dự như thế này thì làm sao tha đây, khi chưa hề có những lời xin lỗi chân thành trước những người đã chứng kiến” là lời phát xuất từ trái tim “vị kỷ”, sau đó trong “tâm tư” sinh ra những tình cảm tự hoại : trách cứ, oán hận, căm thù, trái tim sẽ đập mạnh hơn, sự thống khổ ngày càng tăng làm điên đảo lòng mình. Trả thù được thì lòng lại phập phồng không biết lúc nào “bên kia” trả đũa. Và cứ như thế cái vòng luẩn quẩn căm thù, trả thù và lo lắng nằm trong lòng.

“Tha thứ” là một luồng gió mát hóa giải hận thù, làm quên đi được lòng “vị kỷ”, đồng thời cũng đem đến sự yên tĩnh ngọt ngào cho tâm hồn, là hương thơm của tấm lòng vị tha, độ lượng, tâm hồn bình an. Trong con cái Chúa, sự tha thứ chứng tỏ chúng ta làm theo ý Chúa. Trong Kinh Thánh, một lần “Phi-e-rơ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng? Ngài đáp rằng: Ta không nói cùng ngươi rằng: đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy.” (Ma-thi-ơ 18:20-22).

Người Việt chúng ta, cũng như một số dân tộc khác thường giới hạn sự tha thứ ba lần “sự bất quá tam”. Phi-e-rơ cảm nhận được sự thương yêu của Chúa, nên đã tăng được bảy lần. Nhìn vào cuộc đời sự tha thứ đến ba lần đã là khó, bảy lần đối với trần thế thật bất khả. Thế mà Chúa không chấp nhận. Ngài nói phải tha thứ đến “bảy mươi lần bảy”, tôi có cảm nhận không phải là 490 lần, mà là không có giới hạn cho sự tha thứ.

Khi chúng ta không tha thứ được cho ai chắc hẳn người đó đã quá quắt, làm hại sinh mạng mình, gia đình mình, và vẫn còn cây súng, lưỡi dao trong tay. Nhưng trong rất nhiều trường hợp không quá cực đoan, chúng ta chưa đủ tình yêu thương để tha thứ.

Nếu biết được sự nghèo nàn thiếu tình yêu của mình, hãy chắp tay, cúi đầu cầu xin tình yêu thương của Đức Chúa Trời là “sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (Rô-ma 5:5), và tôi cảm nhận được rằng với tình thương Chúa ban cho, tấm lòng bao dung độ lượng của chúng ta sẽ thúc dục chúng ta nên tha thứ hầu có sự bình an trong tâm hồn.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Nếu ai thiếu “tình thương yêu” trong lòng, hãy nhớ lời Chúa Jêsus phán: “Hãy xin, sẽ được” (Ma-thi-ơ 7:7). Khi đó chúng ta dư “lòng yêu thương” để làm theo lời Chúa dạy “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32).

Chữ “như” trong câu Kinh Thánh này như một cái cân thăng bằng. Một bên Chúa tha thứ cho mình. Ngọt ngào biết bao, kể sao cho hết. Thế thì với tình yêu của Chúa, con cái Chúa “tha thứ nhaucũng phải kể sao cho hết.

Tôi đã hơn một lần được tha thứ cho lầm lỗi trong lúc bực tức nóng giận với anh em bè bạn, giờ này nghĩ lại tôi thấy tôi đã học được nhiều về lòng bao dung và độ lượng, và vì đó đã biến đổi tôi thành một người khá hơn. Cám ơn Chúa, giờ này tôi càng cảm thấy thấm thía nhiều.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Vì Chúa chúng ta giàu tình thương, ước mong con cái Chúa cũng không nghèo tình thương. Hãy xin Ngài để có đủ, có dư hầu chúng ta “tha thứ nhau”. Ước mong quý anh chị con cái Chúa và tôi luôn tâm niệm rằng “tha thứ” là một bông hồng trong lòng của những người đi theo Chúa.