Xét (examine) trong tiếng Việt có một số chữ kép : xem xét, soi xét, lục xét, tra xét, khám xét, và suy sét, rồi đoán xét, cuối cùng là phán xét.

Xem” thì như nhau trong mọi trường hợp, nhưng “xem xét” mới nhận ra rằng đôi khi “trông vậy mà không phải vậy”. “Xem xét” thường tổng quát, nhưng đi vào chi tiết phải “soi xét”. Chúng ta có kính hiển vi “phóng đại” vật thể để “soi xét”. Có những sự việc, vật dụng bị che dấu bằng nhiều hình thức, muốn kiếm ra phải “lục xét”. Nhân viên điều tra phải được huấn luyện “lục xét” có cơ bản và theo từng ngành mà “tra xét”. “Tra xét” ra rồi tiến đến “khám xét”. “Khám xét” phải vận dụng đến trí óc, kiến thức, kinh nghệm mới hội đủ “suy xét”. Thâu gọn “suy xét” để có “đoán xét” với dứt điểm “phán xét” cách tỏ tường, chính xác.

Cơ sở sản xuất luôn có ban “tra xét” (quality control) vật dụng sản xuất để tìm xem có thể có khuyết điểm nào đó hay không. Chúng ta đi đến bất cứ quốc gia nào khác, hành lý đều bị “lục xét, khám xét” để điều tra xem có vật dụng nào bị cấm xâm nhập hay không. Muốn trở thành nhân viên thuộc diện này phải “học” và “thực tập” đúng bài bản một thời gian với những “cases” được giao phó.

Trong đời sống xã hội, chúng ta thường “xem sét” và “suy xét” rất đơn sơ “suy bụng ta ra bụng người” và chỉ “đoán xét” khơi khơi, bất đắc dĩ mới phải dụng đến “phán xét” vì biết đâu là đúng, là thực, mà còn lộ ra cái “thiếu tri thức” của mình.

Việc “tự xét” mình không mấy người lưu tâm và cảm thấy như đang bị cái “tôi” che mất sự nhận định về chính mình. Đôi khi chúng ta “tự xét” mình qua nhận định của người thân quen bằng câu hỏi thường tình : Bạn thấy tôi thế nào ?

Những người có chút danh tiếng và được kể là “người được quần chúng ngưỡng mộ” thường bị người đời “lục xét” và “phán  xét”. Qua “lục xét” và “phán  xét” của người đời, mà vẫn giữ được cái “vô tư” thì theo lời người xưa vị này thuộc thành phần : “chó sủa mặc chó, đường ta, ta đi”.

Tự xét” là cả vấn đề mà giới trí thức rất lưu tâm. Triết gia cổ Hy Lạp Socrates nói : “Phải tự xét mình, vì sống mà thiếu suy xét về mình không đáng gọi là sống”. Câu châm ngôn của ông là : “Hãy biết chính mình”. Phải “tự xét” để “biết chính mình”.

Tự xét” không phải để thấy mình, hay nhận diện ra mình, song để “kiểm nhận” xem bản chất con người của mình có đúng như mình mong ước không. Có người “tự xét” - ngó lên mình chẳng bằng ai - thua. Rồi lại “tự xét” - ngó xuống thì thật chẳng ai bằng mình - được. “Tự xét” luôn đổi chiều để thỏa điều mình mong ước.

Người đời dễ “xét” tha nhân vì tự tin vào “mắt thánh” nơi thân phàm của mình. “Tự xét” khó vì “tự ái” và “chủ quan” che khuất mắt.

Vua Đa-vít khôn ngoan đã không thể “tự xét” mình, và Vua phải nhờ đến “mắt thánh” của Đức Chúa Trời. Vua thành tâm thưa với Chúa :

“ Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi;

Hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi;

Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng,

Xin dắt tôi vào con đường đời đời 

(Thi-thiên 139:23-24)

Vua Đa-vít muốn “tự xét” theo cách nhìn và quan điểm của Đức Chúa Trời với ước vọng được Chúa “dắt tôi vào con đường đời đời” của Chúa.

Cơ Đốc nhân chân chính ngày nay không cần “cầu xin” như Vua Đa-vít. Cơ Đốc nhân có mẫu mực cho đời sống mình là Chúa Jêsus - “Ấy là Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian nầy” (I Giăng 4:17). Hễ sinh động “giống” Chúa là đúng, không “giống” Chúa là sai. Nhiều Cơ Đốc nhân không thể “tự xét” theo phương thức này, chỉ vì không biết “Chúa thể nào”.

Quý vị chỉ biết “Chúa thể nào” khi quý vị quyết định “tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình” (I Phi-e-rơ 3:16).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Không phải Cơ Đốc nhân nào cũng biết “tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình”, chỉ những Cơ Đốc nhân “tự xét” nhận ra “người thánh và rất yêu dấu của Ngài” (Cô-lô-se 3:12), “tự xét” nhận ra “Đấng Christ là sự sống của tôi” (Phi-líp 1:21), và “tự xét” - “có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (Phi-líp 2:5),  thế là tiến bước “Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian nầy”.

Cơ Đốc nhân “tự xét” - “có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” để làm gì ? Đây là Lời Chúa phán để ta “tự xét” - “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa” (Giăng 14:12).

Công việc chính của Chúa Jêsus đến thế gian không phải là “làm phép lạ”, “chữa bệnh”, “hóa bánh” hay “dẹp sóng gió”. Kinh Thánh khẳng định việc chính của Chúa Jêsus là : “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15). Chúa Jêsus tự chứng : “Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu-ca 19:10).

Đại mạng lệnh Chúa truyền cho con cái Ngài trước khi Ngài thăng thiên về Trời : “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp-tem, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt” (Mác 16:15-16). “Giảng Tin Lành cho mọi người” là nói về Cứu Chúa Jêsus, là “làm chứng về Ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8). Cơ Đốc nhân phải “tự xét” mình đã nói về Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế cho người nào chưa ?

Một số Cơ Đốc nhân ở hải ngoại trở về quê hương và thấy quê hương là “đồng lúa đã chín vàng” và “tự xét” thấy mình được Chúa “sai đi” như Chúa Jêsus phán : “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình” (Ma-thi-ơ 9:37-38).

Hai vợ chồng ở Hoa Kỳ “tự xét” thấy mình được Chúa sai đi gặt lúa,  “yểm trợ” chuyến đi Gặt Lúa ở Việt Nam. Khi họ trở lại Hoa Kỳ chẳng ai được biết kết quả. Thi sĩ Tường Lưu có bài thơ sau đây để con gặt “tự xét”.

Em và anh được sai đi gặt lúa

Sáng tinh mơ, cây cỏ đẫm mù sương

Vác đòn sóc trên vai, ta thong thả

Ruộng lúa vàng, theo gió thoảng hương thơm.

Ta ngồi nghỉ trên bờ, trong ra ruộng

Lúa rì rào, lúa gợn sóng mênh mông

Em và anh giữa dất trời thơ mộng

Đến chiều tà, vác đòn gánh về không !!!

Thánh Phao-lô cũng nhận xét nhiều người “hầu việc Chúa” như sau : “Những kẻ đó chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ, và lấy những lời ngọt ngào dua nịnh dỗ dành lòng kẻ thật thà” (Rô-ma 16:18).

Thánh Phao-lô, người “hầu việc Chúa” luôn tự “tự xét” xem mình “nhắm mục đích mà chạy” (Phi-líp 3:14) hay “chạy bá vơ” (I Cô-rinh-tô 9:26); “đánh trận tốt lành” (II Ti-mô-thê 4:7) hay “đánh gió” (I Cô-rinh-tô 9:26).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Khi đi ra tiếp xúc với người chung quanh, nói về Tin Lành, chúng ta phải luôn “tự xét” có đúng “ý muốn tốt lành” (Rô-ma 12:2) của Đức Chúa Trời hay không. Xin phép dùng Lời Kinh Thánh sau đây để làm câu kết : “Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan” (Cô-lô-se 3:16) để dễ dàng “tự xét” theo tiêu chuẩn “lời của Đấng Christ”.

Giới thiệu nhạc Giáng Sinh

Mời quý vị độc giả, quý anh chị nghe nhạc Giáng Sinh, O Holy Night và nhiều bài kế tiếp nối kết với nhau trong kênh YouTube. Xin bấm vào link sau đây :

Youtube