Description: download.jpg    ĐOẠN KẾT

                                     CỦA

       MỘT TRUYỆN TÌNH

 

 

 

Khi chiếc thuyền mong manh của ba mẹ rời hải phận Việt Nam, ba mẹ được 30 tuổi và con vừa tròn 14 tháng. Trên con đường đi tìm tự do, ba mẹ đã để lại rất nhiều, một quê hương trước đây tự do, hạnh phúc, bây giờ đang nằm trong tay của kẻ khác, một đại gia đình ngụp lặn trong yêu thương, bây giờ đang phải xé ra hai, những mảnh tan vỡ của cuộc đời, những ngày vui đã qua mau và nhất là ba mẹ đã để con lại. Dù ba mẹ tranh đấu rất nhiều, ông nội cương quyết không cho con đi, và đến cuối cùng, ba mẹ phải vâng lời ông nội. Bây giờ, càng lớn tuổi chừng nào, ba mẹ càng hiểu quyết định của ông nội chừng nấy. Ông nội không tin ba mẹ sẽ sống còn trên biển và con là hình ảnh của ba mẹ.

Cũng như những người tỵ nạn Cộng Sản khác, ba mẹ mang theo niềm hy vọng sẽ đến được bến bờ tự do. Liều mạng sống mình trên biển không phải vì miếng cơm manh áo đâu con, chịu chấp nhận nhiều phần chết, chỉ một phần sống, phải vì điều cao quý ngàn lần hơn miếng cơm manh áo. Biển cả vừa là phương tiện trung gian đưa ba mẹ đến chân trời mới vừa là hình ảnh hãi hùng trong đời, giúp ba mẹ hiểu sự mong manh của cuộc đời, khi sự sống và sự chết chỉ cách nhau bằng một bức màng mỏng. Niềm hy vọng trong tâm ba mẹ có thể lớn hơn người khác vì ngoài bộ quần áo dính da, ba mẹ mang theo lòng tin tưởng Đấng Yêu Thương mình và sự sắp đặt của Ngài cho cuộc đời ba mẹ.

Sau thời gian tại trại tỵ nạn, ba mẹ được phái đoàn Úc nhận với tư cách là người tỵ nạn Cộng Sản.

Chúa cho phép ba mẹ được định cư tại một quốc gia giàu mạnh, nhân từ nơi ba mẹ không phải phập phòng lo sợ tiếng gõ cửa ban đêm, lo sợ bị công an dẫn đi trong đêm và gia đình không bao giờ gặp lại. Nơi đây, chính quyền giúp người dân được sống trong thoải mái, an bình chứ không hại dân. Ba mẹ đã tìm được điều mình khao khát. Ba mẹ chỉ còn thiếu một điều nữa thôi. Giữa ba mẹ và con là một đại dương khổng lồ và con đường nối liền đại dương ấy lúc bấy giờ không có. Người ta vẫn nói rằng thời gian là liều thuốc cho mọi vết thương lòng, nhưng kinh nghiệm của ba mẹ là tùy vết thương. Có những vết thương được lành theo thời gian, nhưng có những vết thương càng kéo dài chừng nào, càng thêm lở loét. Ba mẹ nhớ con, trưởng nam của ba mẹ, hình ảnh một bé trai 14 tháng mới chập chững biết đi vẫn tiếp tục hằn trong tâm trí, bây giờ không biết con ra sao. Chắc rằng con không nhớ ba mẹ nhưng ba mẹ nhớ con và một lần nữa, đại dương ngăn cách chúng ta. Những buổi cơm ngon, ba mẹ nhớ con. Những lần được đi du ngoạn nước Úc đẹp đẽ muôn màu, ba mẹ nhớ con. Nhìn những đứa trẻ cắp sách đến trường, ba mẹ nhớ con, không tưởng tượng được tương lai con như thế nào dưới chế độ mới này. Hằng năm, cứ đến ngày 30/4 ba con theo đoàn biểu tình đến trước tòa Đại Sứ Cộng Sản Việt Nam tại Canberra, thủ đô của Úc, gào những lời đả đảo đến độ khi trở về nhà, ba con mất giọng.

Chuyện không tưởng tượng được lại xảy ra. Chánh phủ Úc có chương trình cho bảo lãnh đoàn tụ gia đình, chỉ dành cho vợ chồng và con mà thôi. Ba mẹ lập tức nắm lấy cơ hội, nhờ những người bạn Úc trong nhà thờ giúp điền giấy tờ bảo lãnh. Lên xuống, tới lui với Bộ Di Trú đến thuộc đường đi. Những tháng ngày xa nhau đang dần ngắn lại, đại dương cách trở đang được nối liền.

Khi được chánh phủ Úc chấp thuận cho sang Úc trong chương trình đoàn tụ gia đình, con vừa tròn 5 tuổi. Bốn năm không gặp nhau, ba mẹ không biết con lớn đến đâu, cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu ký. Đường liên lạc với Việt Nam vẫn rất khó khăn, và qua vài lá thư của gia đình, ba mẹ chỉ mường tượng được hình ảnh của con yêu dấu. Ngày như qua nhanh hơn, hình ảnh con càng lúc càng rõ hơn và niềm hy vọng của ba mẹ như mặt trời trong buổi bình minh rạng rỡ. Toàn bộ hồ sơ chuyển về Việt Nam rồi, ba mẹ chỉ còn chờ ngày con được xuất cảnh.

Nhưng sao chờ hoài không thấy gì cả. Không một lá thư, không một cú điện thoại báo tin, dù lành hay dữ. Thỉnh thoảng ba mẹ cũng đến Bộ Di Trú Úc để nhắc nhở họ, nhưng lần nào cũng được họ xác nhận rằng Úc sẵn sàng nhận con, phần của nước Úc đã xong, chỉ còn tùy Việt Nam có cho con ra đi hay không.

Chỉ còn tùy Việt Nam có cho con ra đi hay không. Để vượt đại dương này, ba mẹ bắt đầu những cuộc hành trình mới. Con đường Sydney-Canberra 253 cây số trở thành con đường quen thuộc, mang theo với nó nhiều niềm vui, nhiều nỗi buồn, với những lúc hy vọng bừng lên như nắng ban mai và những lúc nặng nề như một khối khổng lồ ba mẹ mang trên vai, không biết bao giờ mới khỏi được gánh nặng này. Và việc gì đến phải đến.

Tòa Đại Sứ Cộng Sản Việt Nam tại Canberra trao cho ba mẹ một đơn xin cho con xuất cảnh trong ấy có hàng trăm câu hỏi về lý lịch ba mẹ của con, nhưng đặc biệt có một câu hỏi chính nhân viên Tòa Đại Sứ chỉ dẫn và nhấn mạnh câu trả lời cho câu hỏi ấy. Họ chỉ dẫn ba mẹ rằng để trả lời câu hỏi “Lý do rời khỏi Việt Nam” anh chị hoặc ghi lý do kinh tế hoặc lý do chính trị.

Ba mẹ hiểu tầm quan trọng của câu hỏi và nhất là câu trả lời. Con đường 253 cây số ấy trở thành con đường dài lê thê và gánh nặng trên vai tưởng chừng như mang không nổi. Trong ngày nhận đơn và lái xe trở về, ba mẹ không nói với nhau được một lời nào. 

Con đã đến tuổi vào trường. Ban ngày con đi học và chiều về, con chăn trâu cho ông nội. Ba mẹ được nghe kể lại sự khôn ngoan của con, tuy còn rất bé nhưng đã biết cách điều khiển trâu. Con có cách làm cho trâu cúi đầu thật sát đất để con có thể leo lên lưng trâu và cả hai cùng đi trong cánh đồng của ông nội. Dù không được thấy hình con cỡi trâu nhưng trong tâm trí, ba mẹ thấy được người con bé nhỏ cỡi lưng trâu trên cánh đồng lúc chiều về, tâm hồn non trẻ chưa biết đớn đau vì sự xa cách của chúng ta. Con biết bẫy chim, con biết tát mương bắt cá. Con nhận được đầy đủ tình thương nơi ông bà nội. Điều ba mẹ và con thiếu là không được bên nhau trong cùng một mái nhà ấm cúng.

Trước khi nhận Chúa là Ánh Sáng cho đời, ba mẹ đã biết đến tiếng nói của lương tâm, là điều ba mẹ tin rằng Chúa đặt để trong tâm người để biết phân biệt thiện ác, nhưng với bản chất hư hoại, tội lỗi, tiếng lương tâm đã chết dần trước tiếng gọi của thế giới và cá nhân. Sự nhận biết Chúa giúp tiếng lương tâm của ba mẹ hướng về điều đẹp lòng Chúa và sự phân biệt thiện ác trong ba mẹ trở nên sắc bén hơn. Con yêu dấu ơi! Ba mẹ biết lương tâm mình không hơn người khác đâu con, nhưng trường hợp này, ba mẹ đối diện với sự lựa chọn đúng sự thật theo tiếng gọi của lương tâm và hiểu giá phải trả. Ba mẹ đã bàn bạc với nhau hết ý, hết lời, những đêm trằn trọc không ngủ được trước khi đặt bút trả lời câu hỏi “lý do rời Việt Nam.” Hình ảnh em bé chăn trâu vẫn hiện về trong giấc ngủ và thời gian vẫn tiếp tục trôi. Đơn vẫn còn nằm đây vì “bút sa gà chết”. Ba mẹ cầu xin Chúa chỉ dạy, ban cho ba mẹ sự khôn ngoan, ít nhất cũng là tối thiểu, để giải quyết vấn đề. Và rồi ba mẹ đi đến một quyết định.

Ba mẹ viết hai chữ “vượt biên” vào câu trả lời.

Trở lại với con đường 253 cây số trong ngày nộp đơn xin xuất cảnh cho con, ba mẹ không thể nói mình vui hay buồn. Dù là người mang tâm trạng, ba mẹ không biết phải diễn tả tâm trạng mình ra sao. Ba mẹ chỉ tin rằng lời đã ghi trên đơn sẽ còn mãi mãi với ý nghĩa không ai liều mạng trên biển vì miếng cơm manh áo. Ruộng đất của ông bà nội gia đình mình ăn mấy đời không hết. Người ta ước đoán rằng cả triệu người Việt Nam chết trên biển trên con đường đi tìm tự do và sự hiện diện của cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại hải ngoại là tiếng nói hùng hồn nhất của những người bằng lòng trả giá cao nhất cho sự tự do của họ.

Đơn đã nộp rồi, bây giờ chỉ phải chờ thôi.

Thời gian cứ trôi, ba mẹ cứ tiếp tục lái xe trên con đường 253 cây số ấy để kêu nài. Một năm trôi qua. Rồi hai năm trôi qua. Rồi ba năm trôi qua. Rồi bốn năm trôi qua. Con đường 253 cây số ấy trở nên quen thuộc, như một kỷ niệm trong đời mà có lúc ba mẹ muốn nhớ, có lúc lại muốn quên.

Cũng như hàng triệu người con của Chúa trên quả địa cầu, ba mẹ chưa bao giờ lập một danh sách những phước lành Chúa ban cho, theo thứ tự từ ơn phước lớn nhất đến nhỏ nhất. Với kinh nghiệm bé nhỏ trong đời, ba mẹ vẫn nghĩ rằng ơn lớn nhất đến trong ngày Chúa mở mắt tâm linh, đưa ba mẹ từ tối tăm qua sáng láng, từ sự nhận biết Cha là Đức Chúa Trời, Đấng có một và thật và Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng Cha sai đến, là sự nhận biết đưa ba mẹ đến sự sống đời đời. Sau ơn phước lớn nhất này, ba mẹ phải kể đến hạnh phúc gia đình. Một lần nữa, Chúa ban cho gia đình chúng ta vượt đại dương lần thứ hai, bốn năm sau khi chính phủ Úc nhận con được đoàn tụ gia đình, khi con vừa tròn 9 tuổi, Việt Nam cho phép con xuất cảnh.

Ở vào tuổi này, có lẽ con không hiểu hai khung cảnh trái ngược nhau đang xảy ra trong gia đình, ông bà nội than khóc trước sự ra đi của con, còn ba mẹ đếm từng ngày. Một bé trai 9 tuổi, một mình trên phi cơ từ Việt Nam sang Úc để đoàn tụ với cha mẹ, người con không biết mặt. Ba mẹ phải gởi hình mới nhất của mình, gia đình để hình này vào túi áo của con trong ngày lên phi cơ với lời căn dặn rằng phải lấy hình ra xem, đúng người mới nhận là cha mẹ.

Ngày ra phi trường đón con, dù thời gian chờ đợi rất lâu nhưng ba mẹ không ngồi được, cứ đứng, rồi đi, mắt chăm chăm chỗ cửa mọi người bước ra sau khi xong thủ tục với Di Trú và Quan Thuế. Ba mẹ quen một người Việt nam làm tại phi trường và nhờ người ấy vào tận chỗ Di Trú để giúp đỡ con trình giấy tờ và qua cơ quan xét hành lý.

Sau cùng, người quen ấy dẫn con ra cửa. Ba mẹ nhận biết con ngay vì con đi với người quen ấy và con mang nét của gia đình dù chúng ta đã xa nhau từ lúc con chỉ tròn 14 tháng. Bản tính cẩn thận và vâng lời của con được bày tỏ rõ rệt khi đứng trước ba mẹ, con móc tấm hình trong túi, xem kỹ hai người đang đứng trước mặt con có phải là hai người trong hình không.

Gia đình chúng ta cùng nhau ra về. Vì đã đến giờ ăn trưa, nên từ phi trường ba mẹ đưa con đến một tiệm ăn Việt Nam và gọi cho con một dĩa cơm tấm bì sườn chả. Em bé 9 tuổi ăn sạch dĩa cơm, không chừa một hột và còn nói rằng đây là lần đầu trong đời, con được ăn thịt.

Em bé chăn trâu của ông nội ngày nào bây giờ là giáo sư Toán tại một đại học Úc Châu. Dù bây giờ ba mẹ đã trên 60 tuổi, niềm vui diễm tuyệt vẫn như lửa hồng mãi mãi trong tâm và dù rất muốn, gia đình chúng ta hiểu rằng không có cách gì để đáp đền hồng ân Thiên Chúa.

 

Đoàn Thu Cúc